Các trường hợp bán nhà đất không cần vợ hoặc chồng đồng ý | ancuvn.com

Sau khi kết hôn, người vợ và người chồng không chỉ ràng buộc nhau về nghĩa vụ, trách nhiệm mà còn ràng buộc về quyền sở hữu tài sản. Pháp luật quy định quyền sử dụng đất có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, và thuộc sở hữu chung của cả hai. Vậy có trường hợp nào mà vợ hoặc chồng được bán nhà đất mà không cần sự đồng ý của đối phương hay không? Bài viết này sẽ đưa ra một số trường hợp giúp giải đáp câu hỏi này.

1. Nhà đất là tài sản riêng của vợ hoặc chồng

Ngoài tài sản chung được quy định tại điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, Điều 43 Luật này còn quy định về tài sản tiêng của vợ hoặc chồng. Nguồn gốc tài sản riêng của một trong hai người có thể là tài sản trước khi kết hôn, tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân. Như vậy, nhà đất là tài sản riêng của vợ hoặc chồng thì họ có quyền giao dịch, bán đi mà không cần hỏi ý kiến người còn lại. Căn cứ theo quy định của Điều 43 đã nêu, những nhà đất sau đây là tài sản riêng có thể tự ý bán:
  • Nhà đất nhận được trước khi kết hôn.
  • Nhà đất vợ/chồng được thừa kế riêng
  • Nhà đất vợ/chồng được tặng riêng sau khi kết hôn.
  • Nhà đất có được bằng tài sản riêng của vợ/chồng

2. Nhà đất theo thỏa thuận phân chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân

Theo Luật Hôn nhân và Gia đình hiện nay thì trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp việc thỏa thuận này bị vô hiệu, nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Cụ thể là, tài sản chung của vợ hoặc chồng trong thời kỳ hôn nhân có thể phân chia một phần hoặc toàn bộ theo thỏa thuận lập ra bằng văn bản. Sau khi phân phia, phần tài sản đó sẽ là tài sản riêng của mỗi người, từ đó dẫn đến việc họ có thể bán đi và không cần sự đồng thuận của người còn lại.
Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng là thời điểm do vợ chồng thỏa thuận và được ghi trong văn bản; nếu trong văn bản không xác định thời điểm có hiệu lực thì thời điểm có hiệu lực được tính từ ngày lập văn bản.
Tuy nhiên cần lưu ý, việc thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân không được để nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba. Đồng thời việc thỏa thuận phân chia đối với nhà đất phải tuân thủ về mặt hình thức, phải được công chứng, chứng thực văn bản và đăng ký quyền sở hữu, sử dụng cho người được phân chia.
Như vậy, nhà đất là tài sản theo thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thì bên được phân chia có quyền giao dịch, bán đi mà không cần hỏi ý kiến người còn lại

3. Nhà đất theo văn bản thỏa thuận trước khi đăng ký kết hôn

Hiện nay, vợ chồng trước khi đăng ký kết hôn có quyền thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng sau khi kết hôn.
Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.
Nội dung cơ bản của thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng sau khi kết hôn.
  • a) Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;
  • b) Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;
  • c) Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;
  • d) Nội dung khác có liên quan.
Tuy nhiên, khi chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận trước khi kết hôn, hai người sẽ phải xác định tài sản nào là tài sản chung, tài sản nào là tài sản riêng của vợ, chồng. Vợ chồng có thể thỏa thuận với nhau rằng số tài sản mà hai người làm ra được sẽ là tài sản của riêng mỗi người. Số của cải đó có thể là tiền lương, thu nhập từ công việc, lao động, nhà đất…
Do đó, khi nhà đất có được trong thời kỳ hôn nhân nhưng đã được thỏa thuận là của một bên theo văn bản thỏa thuận xác lập trước khi kết hôn thì cũng được coi là tài sản riêng của mỗi người, vợ hoặc chồng sẽ có quyền bán nhà đất đó mà không cần hỏi ý kiến của người còn lại.
Tuy nhiên như đã nêu ở trên, đối với nhà đất, văn bản thỏa thuận xác lập tài sản trước khi đăng ký kết hôn phải tuân thủ về mặt hình thức, phải được công chứng, chứng thực văn bản và tiến hành đăng ký quyền sở hữu, sử dụng cho người được phân chia.
>> Khi giao dịch, vợ hoặc chồng cần phải chứng minh tài sản riêng bằng việc đưa ra các hợp đồng, văn bản, giấy tờ chứng minh đó là tài sản riêng của mình.
Nguồn: https://luatkienviet.com/cac-truong-hop-ban-nha-dat-khong-can-vo-hoac-chong-dong-y
____________
Theo dõi ancuvn tại



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Bất động sản là gì?

Dự án Tecco Felice Homes